Chủ xe Mitsubishi Triton đánh giá: 'Không nhiều công nghệ, nhưng quăng đâu cũng được'
Mitsubishi Triton thế hệ mới lột xác hoàn toàn và bổ sung công nghệ để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường bán tải.
Anh Chu Đức Trung là chủ nhân của một chiếc Mitsubishi Triton Premium 4x4. Đây là chiếc xe mà anh đang sử dụng hằng ngày, và cũng là "chiến hữu" trên mọi nẻo đường suốt từ Bắc tới Nam.
Nhân việc anh Trung vừa thực hiện xong một hành trình ý nghĩa làm từ thiện và có phần thú vị khi “lạc” giữa một “rừng” Ford Ranger, chúng tôi đã có một buổi trao đổi nhanh dịp năm mới Giáp Thìn.
“Bán tải phải độ mới đi xa vào sâu được, nhưng độ phải đúng!”
* Chào Trung. Anh có thể chia sẻ gì về hành trình đầy thú vị vừa qua?
- Xin chào mọi người. Tôi là Trung, thành viên của PVC - Pickup Vietnam Club. Câu lạc bộ tính đến nay đã có tới hơn 500 xe được chia thành nhiều team nhỏ.
Năm 2020, từ những hoạt động hiệu quả và thiết thực của PVC, Thành đoàn Hà Nội quyết định sáp nhập PVC trở thành một câu lạc bộ trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội. Team của mình ở câu lạc bộ có tên là Team Bạch Mã - tên một ngọn núi tại Huế, vì trước đây các anh em từng chạy rất nhiều chuyến cứu trợ lũ lụt, hỗ trợ phòng chống dịch cho đồng bào miền Trung.
Chuyến hành trình tình nguyện "Nghĩa tình biên giới" vừa qua là hoạt động do Đoàn thanh niên Công an thành phố Hà Nội tổ chức.
Vì đặc thù địa bàn khó khăn khi di chuyển đối với những xe thông thường, ngay cả xe 2 cầu nguyên bản cũng khó có thể vào được, ban tổ chức đã đề nghị sự hỗ trợ từ Câu lạc bộ xe bán tải địa hình Việt Nam, để đảm bảo công tác vận chuyển người và hàng hóa trở nên thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo an toàn.
Do đặc thù địa bàn, những chiếc xe thông thường rất khó vượt qua
* Điều gì đọng lại nhiều nhất với anh ở hành trình đó?
- Mình có thể nói là "đơn thương độc mã" trong chuyến đi lên tới 22 xe vừa rồi, vì chỉ có một mình mình là chạy Triton, còn lại chủ yếu là Ford Ranger, lác đác 1-2 chiếc Chevrolet Colorado và BT-50.
Tổng quãng đường mà cả đoàn đã đi trong chuyến hôm ấy là khoảng 1.300km, hỗn hợp đủ mọi địa hình. Tuy số km đường bùn lầy, đất đá ngổn ngang và đèo dốc đứng chỉ chiếm khoảng 1/3 quãng đường, nhưng thời gian để đoàn xe di chuyển qua đó lại nhiều hơn tổng thời gian của 2/3 quãng đường còn lại rất nhiều.
Mỗi xe đều phải "cõng" rất nhiều hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa của hành trình là khoảng 800 triệu đồng, bao gồm quần áo, chăn, đệm, sách vở. Tổng cộng có 22 xe tham gia hành trình, xe nào cũng chất hàng nhiều nhất có thể.
Một kỷ niệm cũng đáng nhớ nữa đó là ở chiều về, đoàn xe của mình có thể nói là đoàn xe đầu tiên chạy thử cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ khi tuyến đường còn chưa được thông xe kỹ thuật. Mục đích chỉ là trải nghiệm, nhưng đây cũng là cơ hội có một không hai trong suốt thời gian cầm lái của mình.
* Để đi được tới những nơi xa xôi, băng qua các địa hình khó khăn, một chiếc xe nguyên bản liệu có làm được?
- Độ xe là một vấn đề không đơn giản, nhất là trong năm vừa qua. Ban đầu, chuyện này rất khó khăn bởi luật là luật và mọi người đều phải tuân theo. Tuy nhiên, qua những chuyến đi tới các vùng sâu vùng xa, ai cũng phải đồng ý rằng nếu chỉ đi xe "zin" sẽ không thể tiếp cận được tới vùng biên giới, băng qua những cung đường sạt lở, đến với những nơi mà các phương tiện cơ bản không thể tới được để hỗ trợ người dân.
Tất nhiên, tất cả những trang bị này đều phục vụ mục đích di chuyển, chứ không hề gây khó chịu cho những người xung quanh. Ví dụ, xe mình đã thay thế hệ thống giảm xóc, mâm, lốp, cản sau kim loại để phù hợp với các cung đường offroad, đèn vàng để phá sương hay gia cố thùng xe để tiện chở đồ đạc hơn.
“Không bóng bẩy như Ranger nhưng Triton có thừa yếu tố hơn Ranger”
* Sau một chuyến đi dài và khắc nghiệt đến như vậy, chiếc Triton sẽ phải bảo dưỡng những gì?
- Trước mỗi chuyến đi, xe của mình đều được mang ra gara kiểm tra, siết ốc, dầu mỡ để đảm bảo xe luôn ở tình trạng tốt nhất. Sau khi về cũng thế, qua gara kiểm tra và trả lại xe về tình trạng ban đầu.
Thực ra cũng phải dành lời khen cho Triton vì mẫu xe này khá bền, ít hỏng vặt, phụ tùng cũng dễ tìm với giá cả phải chăng.
Có thể đây là một chiếc xe với vẻ ngoài hơi "già", không bóng bẩy và ưa nhìn như Ranger. Tuy nhiên, xét về góc độ sử dụng thì mình hoàn toàn hài lòng. Mục đích của một chiếc ô tô vẫn là đưa chủ nhân đi đến nơi về đến chốn mà.
* Cụ thể hơn, nếu ai đó hỏi nên mua Ranger hay Triton, anh sẽ đưa ra lời khuyên thế nào trên cương vị một chủ xe bán tải đã chơi rất sâu?
- Nếu xét trên tâm lý mua hàng của người Việt, giá cả sẽ là điều kiện được đặt lên hàng đầu. Triton Premium 4x4 của mình rẻ hơn Ranger Wildtrak khoảng 100 triệu đồng, mà số tiền đó nếu mua đồ độ lắp vào thì giải quyết được rất nhiều vấn đề. Khoảng cách giữa xe zin và xe độ là rất xa. Một khi đã đi xe độ rồi thì khó có thể quay trở lại đi xe zin. Đây là ý kiến chủ quan của mình.
Triton có nhiều ưu điểm dù thua Ranger một số công nghệ
Thứ 2 là xe Nhật bền, điều này đã được rất nhiều thế hệ chứng minh. Xe không sở hữu quá nhiều công nghệ điện tử, tất cả trên xe đều ở mức đủ dùng và hoạt động tương đối tốt.
Ai mới bước lên Ford Ranger sẽ nhận ra đây là một mẫu xe cực kỳ hiện đại, công nghệ ngập tràn. Nhưng theo mình, những thứ ấy nên xuất hiện ở trên các mẫu MPV hay SUV phục vụ nhu cầu gia đình. Còn trên những mẫu xe quăng quật, trèo đèo lội suối và thường hoạt động trong những môi trường khắc nghiệt như bán tải thì mình thấy không quá cần thiết.
Xe Nhật nổi tiếng về sự bền bỉ, Triton cũng vậy
Nói như thế không phải chê rằng các mẫu bán tải Mỹ kém bền hơn xe Nhật. Điều này còn phụ thuộc vào tiêu chí nơi xe được sử dụng. Dễ thấy nhất là hệ thống điều hòa. Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, mà điều hòa của Mitsubishi thì đã thành thương hiệu rồi, thậm chí nói vui người ngồi trên xe còn phải đắp chăn.
Mitsubishi Triton mặc dù chỉ sở hữu hệ thống lái trợ lực dầu, hơi nặng nhưng lại rất cần thiết khi chạy offroad. Điều quan trọng khi chạy những cung đường khắc nghiệt không phải là nhẹ mà phải là độ chính xác. Ở khoản này thì Triton làm rất tốt.
* Vậy nếu để bình chọn ra một yếu tố trên Triton đã giúp ích rất nhiều trong chuyến đi vừa rồi, Trung sẽ lựa chọn điều gì?
- Bán kính quay đầu của Ford Ranger, Chevrolet Colorado là 6.350mm, Mazda BT-50 là 6.100mm, còn Triton chỉ là 5.900mm.
Nói đến đây chắc mọi người đều thấy rõ lợi thế của mẫu xe tới từ Mitsubishi so với các đối thủ. Đoạn đường từ cột cờ Lũng Cú đi xuống ngay khúc cua đầu tiên, Triton chỉ cần 1 đỏ là qua, thì với các xe khác phải mất 2 thậm chí 3 đỏ mới có thể vượt qua được.
Hay có đoạn đường sạt lở, phải dùng cuốc chim rồi kê đá lên mới có thể qua được, xe mình rất tự tin trong việc đánh lái và vượt qua dễ dàng. Đây là một điểm khiến mình rất tự hào về "chiến hữu" của mình.
Thậm chí nếu so về hệ thống truyền động, mình đánh giá chỉ có 4A của Ranger Raptor 2023 mới có thể đem ra so sánh được với 4H của Triton.
Ngoài 2 mẫu xe trên và Pajero Sport ra, các mẫu xe dẫn động 4 bánh khác đều là bán thời gian. Khi chuyển sang 4H, các mẫu xe này sẽ phân bổ lực 50-50 cho bánh trước và bánh sau, điều này khi chạy trên những cung đường trơn trượt là rất nguy hiểm khi vào cua.
Xe mình với Super Select II thì cực kỳ yên tâm, vào cua 70-80km/h với chế độ 4H bình thường. Không hề có tình trạng trượt bánh, trượt ngang, văng… Người ngồi trong xe thứ nhất là an toàn, thứ hai là không bị say xe. Đây là điều mà phải thực sự trải nghiệm xe trên cung đường phù hợp mới có cảm nhận rõ rệt nhất được.
* Trung cũng đang vận hành một đơn vị media riêng, vậy chiếc Triton có giúp ích gì nhiều trong quá trình tác nghiệp?
- Thùng xe của mình thường xuyên là nơi để máy ảnh, máy quay, chân máy, gimbal rồi đèn, ray… Phải có những chiếc xe cốp rộng như thế này mới có thể tải hết được chỗ đồ đó.
Một điều nữa là khi tác nghiệp trên đường, những mẫu xe bình thường thì anh em media sẽ phải thò cửa sổ hai bên xe. Điều này vừa mất an toàn vừa không thể đảm bảo được chất lượng. Nhưng với bán tải, mọi người chỉ cần ngồi trên thùng là xong.
* Nếu được lựa chọn một điểm trên Triton để thay đổi, anh sẽ chọn điều gì?
- Nếu được lựa chọn một điểm để thay đổi, mình sẽ lựa chọn khoảng cách từ bánh sau tới đuôi xe. Trên Triton, khoảng cách này khá dài dẫn đến việc góc thoát của xe bị hạn chế.
Thêm nữa, nếu chở đồ nặng, phần cốp sau xe bị xệ xuống trông rất mất thẩm mỹ. Mong rằng ở phiên bản hoàn toàn mới vừa ra mắt tại Thái Lan có thể cải thiện được yếu tố này.
Không những thay đổi được ngoại hình, mà điều đó còn giúp ích rất nhiều trong những tình huống khẩn cấp. Những người luôn ép chiếc xe tới giới hạn như mình và anh em trong hội đều đồng ý với điều này.
Màn hình giải trí trên xe cũng là một nhược điểm lớn đối với gu mua hàng của người Việt. Nếu ai chưa biết thì màn hình giải trí trên Triton là do Mitsubishi Việt Nam tặng, chứ bản thân xe nhập về không có phụ kiện này. Vì là đồ gắn ngoài, nên nhiều khi vẫn không tương thích được với xe ở một vài trường hợp.
tin khác
- Những mẫu ô tô cho người mua ô tô mới với tài chính cho xe lăn bánh khoảng 450 triệu đồng
- Xe lắp ráp trong nước được giảm phí trước bạ, xe nhập khẩu cũng tham gia đường đua
- Doanh số xe ô tô Toyota Việt Nam sụt giảm trong tháng 8/2024
- Tầm giá 600 triệu đồng, chọn Suzuki XL7 hybrid mới ra mắt hay Hyundai Stargazer X
- Giá xe Toyota Veloz tháng 8/2024 kèm Đánh giá xe chi tiết
- Doanh số xe Hyundai tại Việt Nam tháng 7/2024
- Gợi ý những mẫu xe 3 hybrid được người dùng ưa chuộng
- Tháng 8, Honda ô tô khuyến mãi lên đến hơn 200 triệu
- Giá xe Kia Sonet đã qua sử dụng tháng 07/2024 tại Việt Nam
- Những mẫu xe nào là "gà cưng' của các hãng xe tại Việt Nam
xe mới về
-
VinFast Fadil 1.4 AT 2021
299 triệu
-
VinFast Fadil 1.4 AT Plus 2019
299 triệu
-
VinFast Fadil 1.4 AT 2021
313 triệu
-
Chevrolet Cruze LTZ 1.8 AT 2016
299 triệu